Hôm nay lúc đang ngồi coi các trang web nấu ăn thì bỗng giật mình, vì hình như ở nhà mình cũng có một nguồn cảm hứng nấu ăn to lớn, đáng yêu và hơi mập mập. Vậy mà mình cứ đi tìm ý tưởng món ăn ở đâu đâu không à. Vậy là sau một hồi lục lọi trí nhớ về các món ăn mà mẹ hay làm hồi còn nhỏ... Từng món, từng món hiện lên
Canh cải chua sườn non, thịt khìa, bao tử phá lấu, canh thịt bò rau răm, gỏi ngó sen tôm thịt, nấm rơm lăn bột, canh tàu ngầm. À, canh tàu ngầm, một món ăn lạ miệng mà hình như chỉ có ở nhà mình. Món canh thơm ngọt nhẹ nhàng mà hồi nhỏ chị hai cũng rất thích. Đã hơn mười năm từ lúc mẹ đi làm đến nay, và cũng chừng đó năm Vũ chưa được ăn lại món ăn này. Nếu hôm nay không ngồi nhớ lại và nấu thì chắc phải đến mười năm nữa sao?
Vậy là chạy ra cửa hàng gom cho đủ nguyên liệu rồi về bắt tay vào nấu. Món canh này thanh ngọt, ăn với sườn chiên nước mắm là có đủ các vị chua, ngọt, mặn, cay. Tất nhiên, bữa cơm nào cũng không thể thiếu một đĩa rau xanh, nhất là khi thời đại đang hướng về "màu xanh"
NGUYÊN LIỆU
1. Sườn non chiên nước mắm
600g sườn non, chọn phần sườn có nhiều thịt và ít sụn
2 tbsp. nước mắm ngon, độ mặn trung bình
1 tsp tiêu trắng xay
4 tbsp dầu ăn
2. Canh tàu ngầm
350g tôm sú
1 trái thơm lớn
400 ml nước nguội
1 tbsp. nước me
2 cây mía lau
Ớt sừng, rau om, ngò gai
Muối
Nếu thơm chua có thể thêm ít đường mía tươi (loại màu vàng nhạt)
3. Rau hấp
350g đọt su hoặc các loại rau cải khác (ngồng cải, hoa bí, hoa thiên lý, đậu rồng, cải thìa...)
CÁCH LÀM
1. Tôm làm sạch, lột vỏ (luôn luôn lấy sạch chỉ đen ở phần lưng và bụng tôm). Vỏ tôm để riêng. Phần thịt tôm chia ra làm hai. Một phần để nguyên, phần còn lại cắt đôi, đập hơi dập.
400ml nước xay chung với một trái thơm (cắt miếng nhỏ) lọc lấy nước thơm.
Xào vỏ tôm với 2 cây mía lau trên lửa nhỏ với 1/2 tbsp dầu ăn khoảng 3 phút, nêm 1 tsp muối. Rót phần nước thơm vào và bật lửa trung bình để vớt bọt. Sau khi vớt xong bọt thì bớt lửa một chút và nấu khoảng 15 phút rồi lọc sạch vỏ tôm và mía lau. Nêm lại theo khẩu vị. Vũ nêm thêm 1 tsp muối và 1 tsp đường mía
Sau khi nêm xong thì cho tôm vào, đợi nước sôi lại, vớt bọt tôm nếu có rồi tắt lửa để tránh tôm bị nấu quá. Nếu chưa ăn ngay thì không nên cho hết tôm vào. Khi nước còn nóng có thể cho thêm vài miếng ớt sừng. Thêm rau om và ngò gai nữa thì sẽ có một tô canh tàu ngầm thơm ngọt, ít chua và có phần giống với món canh chua của người miền Nam
"Mẹ đặt tên cho món canh này là canh tàu ngầm vì bình thường tôm lặn hết xuống đáy tô..."
chỉ khi ăn người ta mới thấy được ở dưới đáy nước có rất nhiều, rất nhiều tàu ngầm
2. Trong lúc nấu nước canh thì ướp sườn, Vũ chia ra làm hai phần để ướp. Mỗi phần khoảng 300g sườn thì ướp với 1 tbsp nước mắm ngon và 1/2 tsp tiêu trắng xay. Để sườn thấm khoảng 35 phút thì chiên với lửa nhỏ nhất. Khi chiên sườn nên để chảo thật nóng rồi mới cho 3 tbsp dầu ăn vào. Khi cho sườn vào thì mặt sườn có nhiều thịt úp xuống chiên trước, ngoài ra lửa phải ở mức thấp nhất thì sẽ không bị văng mỡ. Khi chiên cũng nên chiên từ từ trên lửa nhỏ sẽ tránh được việc miếng sườn bị nổ và bị khô. Vũ thường chiên lửa thấp đến khi thịt vàng một mặt thì trở qua mặt có ít thịt, tăng nhẹ lửa lên chiên nhanh mặt kia.
sườn chiên nước mắm là một món ăn đơn giản nhưng có sự tinh tế trong cách chế biến thì sườn sẽ ngon hơn rất nhiều. Món sườn này có chút mùi béo cũa mỡ ở lớp thịt giòn bên ngoài, mùi thơm ngọt của thịt heo ở bên trong, vị mặn mặn của nước mắm. Tiêu trắng xay, ngoài việc giảm bớt mùi tanh của nước mắm còn tăng thêm mùi thơm khi chiên và điều cốt yếu là khi sườn được chiên với ít dầu ăn, phần mỡ của thịt chảy ra sẽ làm miếng sườn chín thơm giòn mà không bị quá cứng.
3. Đọt su hoặc các loại rau xanh khác chỉ cần hấp sơ để giữ được độ giòn, ngọt là được. Đọt su hấp khoảng 6 phút là vừa chín. Rau xanh là phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Không những bổ sung thêm vitamin, rau xanh còn làm mình cảm thấy nhẹ nhàng giữa vô vàn những món cá, thịt
Và cũng nhờ có đĩa rau xanh mà Ba đã ăn thêm một chén cơm...
No comments:
Post a Comment